LÃI SUẤT, PHÍ CHO VAY LÀ GÌ? KHI VAY NGƯỜI VAY CẦN QUAN TÂM GÌ VỀ LÃI SUẤT ĐỂ ĐẢM BẢO KHOẢN VAY AN TOÀN?
(LUẬT SƯ TƯ VẤN UY TÍN TẠI HÀ NỘI)
Khi tiếp cận với việc vay vốn, lãi suất và phí cho vay là những yếu tố quan trọng mà người vay cần đặc biệt quan tâm. Trong đời sống ngày nay, việc vay vốn không còn xa lạ và trở thành một phương thức hữu ích để đáp ứng nhu cầu tài chính của cả cá nhân và các doanh nghiệp, tổ chức.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình vay cho người vay vốn, Công ty Luật TNHH HT Legal VN chúng tôi xin chia sẽ một số quy định pháp luật về “Lãi suất, phí cho vay và khi vay người vay cần quan tâm gì về lãi suất để đảm bảo khoản vay an toàn?” như sau:
I. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
– Luật các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024)
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
II. Nội dung
1. Lãi suất và phí cho vay là gì?
a. Lãi suất cho vay là tỷ lệ phần trăm của tiền tiền cho vay mà người vay phải chi trả cho đơn vị cho vay trong một khoảng thời gian cụ thể. Trong đó, bên vay và cho vay có thể là cá nhân, tổ chức hoặc ngân hàng.
b. Phí cho vay là các khoản phí hoặc chi phí mà người vay phải trả cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khi họ vay tiền. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:
– Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn
– Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.
– Phí thu xếp cho vay hợp vốn.
– Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
– Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Như vậy, phí này chỉ xuất hiện trong hoạt động cho vay của các tổ chức tin dụng và tuỳ vào loại hình vay vốn, nhu cầu của bên vay và sự thoả thuận với tổ chức tín dụng mà bên vay có thể phải chịu thêm một số khoản phí vay khác.
2. Các vấn đề cần quan tâm đối với lãi suất và chi phí khi đi vay vốn như sau
a. Lãi suất trong thời hạn vay
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất trong hợp đồng vay như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, những không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.” (tức là 10%/năm của khoản tiền vay)
Điều luật trên là áp dụng cho các loại hợp đồng vay nói chung với đa dạng đối tương vay như: tiền, tài sản… và giữa các chủ thể khác nhau như cá nhân với cá nhân, ngân hàng với cá nhân, ngân hàng với tổ chức…
Như vậy, pháp luật cho phép các bên tự do thoả thuận về một mức lãi suất cụ thể tuỳ theo nhu cầu và mong muốn của các bên. Tuy nhiên giới hạn ở mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% mỗi năm của số tiền vay.
– Lãi suất trong hạn đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng
Riêng đối với hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, ngoài việc tuân thủ khoản giới hạn nêu trên còn phải tuân thủ các quy định liên quan. Điều 13 Nghị định số 39/2016/TT-NHNN cũng cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa.
Như vậy, quy định pháp luật đã khống chế nhằm bảo vệ người vay khỏi lãi suất quá cao và hạn chế tình trạng lạm dụng việc cho vay để trục lợi về bản thân do lấy lãi suất quá cao.
b. Tiền lãi chậm trả
Theo quy định về việc tính lãi trong trường hợp vay có lãi mà đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ tại điểm a khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015, thì bên vay phải trả lãi như sau:
– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; Trường hợp chậm trả lãi thì còn phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này, tức là 10%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.
– Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Như vậy việc tính lãi đối với số tiền lãi bị trả quá hạn, lãi suất áp dụng do hai bên thoả thuận nhưng cũng không được quá 10%/năm của khoản tiền vay. Và nếu không thanh toán nợ gốc đúng hạn thì trừ trường hợp có thoả thuận khác, người vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả là 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả.
Trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng có quy định tương tự tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:
“4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”
Các quy định pháp luật về các khoản lãi suất nêu trên một mặt có tác động nâng cao trách nhiệm trả nợ đúng hạn của bên vay, mặt còn lại nhằm tránh tình trạng bên cho vay lợi dụng tình trạng khó khăn trong việc trả nợ của bên vay mà áp dụng một mức lãi suất cao để trục lợi. Do đó, khi bị nợ quá hạn, bên vay cũng cần lưu ý hoặc yêu cầu luật sư tư vấn, xem xét liệu mức lãi suất bị áp dụng đã phù hợp với quy định pháp luật chưa, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của mình.
3. Quyền của bên vay khi tham gia vay vốn tại các tổ chức tín dụng
Theo quy định tại Điều 100 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định:
“1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay được nêu tại mục 1, gồm: Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng; Phí thu xếp cho vay hợp vốn; Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu và các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Để được tư vấn cụ thể bạn hãy liên hệ với chúng tôi, Công ty Luật HT Legal VN luôn sẵn sàng lắng nghe những thông tin bạn muốn chia sẻ và hỗ trợ cho bạn.
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 094517404