BÊN VAY BỊ YÊU CẦU MUA GÓI BẢO HIỂM NHÂN THỌ THÌ MỚI ĐƯỢC GIẢI NGÂN KHOẢN VAY TẠI NGÂN HÀNG? XỦ LÝ THÊ NÀO?
(LUẬT SƯ TƯ VẤN UY TÍN TẠI HÀ NỘI)
Khi khách hàng vay vốn tại Ngân hàng, một số Ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ thì mới được giải ngân khoản vay. Trong trường hợp này cần xử lý như thế nào? Liệu hành vi trên có phù hợp với quy định pháp luật. Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ một số quy định pháp luật về vấn đề nêu trên
I. Cơ sở pháp lý
– Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số;
– Thông tư 39/2016/TT–NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
– Công văn 7928/NHNN–TTGSNH ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm.
II. Nội dung
1. Điều kiện vay vốn ngân hàng theo quy định pháp luật?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 30/2016/TT-NHNN về điều kiện vay vốn như sau:
“Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ.
4. Có khả năng tài chính để trả nợ.”
Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, mỗi ngân hàng sẽ ban hành Quy chế riêng về vấn đề cho vay với những điều kiện cụ thể, chi tiết hơn nhưng không được phép đưa thêm những điều kiện không liên quan khác vào là điều kiện cho vay.
2. Khách hàng có buộc mua bảo hiểm nhân thọ thì mới được giải ngân khi vay hay không?
Ngoài quy định nêu trên, theo quy định tại mục 2 Công văn 7928/NHNN–TTGSNH quy định như sau:
“Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tuân thủ quy định pháp luật và phát triển một cách lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các TCTD thực hiện một số nội dung sau:
…
2. Rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của TCTD và xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.”
Như vậy, việc kinh doanh bảo hiểm chỉ là một hình thức kèm theo khi khách hàng cũng có nhu cầu được mua bảo hiểm, họ có thể được hưởng các ưu đãi nhất định. Tuy nhiên, trường hợp khách hàng vay không có nhu cầu nhưng phía ngân hàng vẫn cố ý ép buộc khách hàng mua bảo hiểm là trái với quy định pháp luật, trái với nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong chế định về hợp đồng nói chung và hợp đồng vay vốn nói riêng.
3. Hướng xử lý khi rơi vào trường hợp trên
Như quy định đã nêu trên, việc bắt buộc phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì mới giải ngân vốn vay là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn pháp lý cho khách hàng, Công ty Luật TNHH HT Legal VN vẫn nhận được các trường hợp phía Ngân hàng có dấu hiệu “ép” khách hàng mua bảo hiểm để cấp tín dụng, đồng thời bản thân họ cũng không biết đây là hành vi trái với quy định pháp luật.
Do đó, trước khi ký kết hợp đồng cho vay vốn, bên vay cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay, đồng thời có thể hỏi rõ nhân viên ngân hàng để biết liệu điều khoản mua bảo hiểm có đính kèm trong Hợp đồng vay hay không. Khách hàng có quyền từ chối ký kết hợp đồng trong trường hợp ngân hàng có dấu hiệu “ép buộc” mua kèm các gói bảo hiểm.
Trường hợp phía Ngân hàng cố tình che giấu điều khoản bảo hiểm hoặc ép buộc khách hàng mua bảo hiểm thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ như sau:
“2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
…
d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ)Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Với những chia sẻ trên, Công ty Luật TNHH HT Legal VN mong rằng có thể mang đến cho Quý bạn đọc những thông tin hữu ích, giúp nhận biết được hành vi vi phạm của Ngân hàng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với cá nhân vay vốn nhỏ lẻ, họ thường là bên yếu thế, đi kèm các khoản vay thường là những Hợp đồng mẫu do phía ngân hàng phát hành sẵn. Do đó, Bên vay vốn cần đặc biệt chú ý, đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, trao đổi rõ ràng với nhân viên giao dịch để đảm bảo hợp đồng vay được ký kết dựa trên sự tự do, tự nguyện thoả thuận giữa các bên nhằm giảm thiểu tối đa mọi tranh chấp về sau.
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 094517404