CÁC TRƯỜNG HỢP THU HỒI ĐẤT DO VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI 2024
(LUẬT SƯ TƯ VẤN UY TÍN TẠI HÀ NỘI)
Trong bối cảnh quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam, các quy định pháp luật về thu hồi đất đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự kỷ cương, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 8 vừa qua đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý nhà nước về đất đai. Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai 2024 là các quy định chi tiết và cụ thể về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật.
Qua bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ phân tích các quy định mới nhất về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, giúp người đọc hiểu rõ hơn về trình tự thủ tục thu hồi đất và các vấn đề liên quan.
I – Cơ sở pháp lý
– Luật Đất đai 2024 số 31/2024/QH15;
– Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024.
II – Nội dung
1. Thu hồi đất là gì? Các trường hợp thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024
Theo khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 đã định nghĩa:
“Nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý”.
Từ định nghĩa đó, Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định về các trường hợp thu hồi đất bao gồm:
– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 78)
– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79)
– Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 81)
– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng (Điều 82)
Như vậy, thu hồi đất đai do hành vi vi phạm pháp luật về đất đai là một trong những trường hợp Nhà nước được quyền thu hồi lại đất từ cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất.
2. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Theo Điều 81 Luật Luật Đất đai 2024 có 08 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
Thứ hai, người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
Thứ ba, đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
Thứ tư, đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
Thứ năm, đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
Thứ sáu, người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Thứ bảy, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Thứ tám, đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư;
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn;
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Lưu ý: các trường hợp 6,7 và 8 không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng.
3. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai
Theo Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định trình tự thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai như sau:
a. Điều kiện thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai quy định tại Điều 81 Luật Đất đai như đã trình bày ở trên.
– Trường hợp hành vi vi phạm phải xử phạt vi phạm hành chính thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về kiến nghị thu hồi đất do người sử dụng đất vẫn tiếp tục vi phạm, cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Điều 83 Luật Đất đai;
– Đối với các hành vi vi phạm không phải xử phạt vi phạm hành chính thì việc thu hồi đất được tiến hành sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền về trường hợp phải thu hồi đất.
Sau khi nhận được văn bản và tài liệu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất.
b. Thời hạn xử lý:
+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có). Người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm xử lý tài sản trên đất theo thời hạn quy định tại thông báo thu hồi đất kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi đất nhưng không quá 45 ngày.
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi đất và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết định thu hồi đất. Trường hợp người sử dụng đất không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất.
c. Trách nhiệm của các bên:
– Trách nhiệm của người có đất thu hồi: chấp hành quyết định thu hồi đất; Thực hiện bàn giao đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho cơ quan, người có thẩm quyền được quy định tại quyết định thu hồi đất.
– Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền
-
Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
-
Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật;
-
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Điều 39 Nghị định Nghị định 102/2024/NĐ-CP;
-
Bố trí kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất
d. Xử lý tài sản trên đất, giá trị tài sản còn lại của người có đất thu hồi
– Trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai thì số tiền sử dụng đất thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí cưỡng chế, tổ chức đấu giá theo quy định được nộp ngân sách nhà nước để thanh toán nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, số tiền còn lại được hoàn trả cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi;
– Trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất theo quy định, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi được thực hiện bán tài sản theo quy định của pháp luật. Khi hết thời hạn nêu trên, người sử dụng đất thu hồi không thực hiện được việc bán tài sản của mình gắn liền với đất thì Nhà nước không bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất. Chủ sở hữu tài sản phải tự tháo dỡ tài sản trả lại mặt bằng cho Nhà nước theo thời hạn ghi trong quyết định thu hồi đất, trường hợp không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
– Trường hợp nhà đầu tư mua lại tài sản gắn liền với đất của người có đất thu hồi thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Những quy định này không chỉ là biện pháp răn đe mà còn là công cụ hữu hiệu để xử lý các hành vi vi phạm, ngăn chặn tình trạng lãng phí, sử dụng đất không hiệu quả. Đồng thời, việc thu hồi đất theo đúng pháp luật còn góp phần quan trọng trong việc duy trì trật tự và kỷ cương, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Để các quy định về thu hồi đất được thực thi hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, sự tuân thủ nghiêm túc của người sử dụng đất và một cơ chế giám sát, xử lý vi phạm mạnh mẽ.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Công ty Luật THNN HT Legal VN về: “Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được quy định trong Luật Đất đai 2024”. Hy vọng bài viết trên giúp quý khách hàng có cái nhìn tổng quan về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai.
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 094517404