Hiện nay, tình trạng con cái được sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân vẫn còn xảy ra nhiều từ các nguyên nhân khác nhau như: nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng; vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình với người khác mà dẫn đến việc người phụ nữ mang thai… Thông thường trong các trường hợp này, con sinh ra có phần thiệt thòi hơn do chỉ nhận được sự chăm sóc của một bên hoặc thậm chí chỉ từ người thân của họ.
Vậy Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này, liệu bản thân con hoặc người giám hộ của con có quyền yêu cầu cha và/hoặc mẹ không chung sống cùng con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không?
Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ về các vấn đề sau:
– Con ngoài giá thú hoặc người giám hộ của họ có quyền yêu cầu cha và/hoặc mẹ không chung sống cùng con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không?
– Mức cấp dưỡng là bao nhiêu?
– Thời điểm nào thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt?
I. Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HN&GĐ)
II. Nội dung:
1. Con ngoài giá thú hoặc người giám hộ của họ có quyền yêu cầu cha và/hoặc mẹ không chung sống cùng con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không?
Con ngoài giá thú là con không được sinh ra hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân hoặc cha mẹ không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không làm phát sinh quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận mà người nữ lại mang thai, sinh con.
Điều 110 Luật HN&GĐ quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Pháp luật Việt Nam không phân biệt nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con dù là con ngoài giá thú hay con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân do việc được chăm sóc, nuôi dưỡng là quyền của trẻ em và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái do họ sinh ra, họ cần phải có trách nhiệm với hành vi của mình dù quan hệ nam nữ đó có hợp pháp hay không.
Do đó, theo quy định nêu trên, con ngoài giá thú hoặc người giám hộ của họ có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải cấp dưỡng cho con nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a. Chứng minh được quan hệ huyết thống giữa cha, mẹ với con ngoài giá thú:
Đây là điều kiện tiên quyết để xác định tồn tại mối quan hệ ràng buộc giữa người được yêu cầu cấp dưỡng và người được cấp dưỡng vì không ai có nghĩa vụ phải chăm sóc cho người không có quan hệ huyết thống với mình. Nếu không chứng minh được tồn tại quan hệ này thì không được xem là con của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và không có quyền yêu cầu cấp dưỡng.
b. Con ngoài giá thú phải thuộc một trong hai trường hợp sau thì mới có quyền yêu cầu:
-
TH1: Là con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi)
Con chưa thành niên chưa đủ khả năng lao động, kiếm thu nhập để tự chăm sóc bản thân mình. Mặt khác, pháp luật muốn đảm bảo trẻ em cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập, phát triển một cách đầy đủ, toàn diện nên quy định trên là hoàn toàn hợp lý, nâng cao trách nhiệm của người sinh ra con cái.
Trường hợp con còn nhỏ thì người cha/mẹ còn lại đang chung sống với con hoặc người giám hộ của con có quyền thay con yêu cầu cha và/hoặc mẹ không chung sống cùng con thực hiện cấp dưỡng.
-
TH2: Con đã thành niên (đủ 18 tuổi) nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Đây là trường hợp con đã đủ 18 tuổi nhưng mất năng lực hành vi dân sự như bị bệnh tâm thần, mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi; hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất hoặc tinh thần; hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự… mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền yêu cầu cha mẹ cấp dưỡng cho mình.
Trường hợp con đã thành niên, mắc bệnh như trên nhưng vẫn có khả năng lao động, có tài sản để tự nuôi mình thì pháp luật không bắt buộc cha mẹ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng.
c. Con không sống chung với người cấp dưỡng hoặc sống chung nhưng người này vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con
Pháp luật quy định như vậy là phù hợp vì con cái khi vẫn được sống chung với cha mẹ thì cha mẹ đã thể hiện trách nhiệm của mình với con nên pháp luật không quy định quyền yêu cầu cấp dưỡng trong trường hợp trên trừ khi cha mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con như ngược đãi, bạo hành, không chăm sóc, lợi dụng con cái cho mục đích xấu…
KẾT LUẬN: Con ngoài giá thú khi đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được quyền yêu cầu cha và/hoặc mẹ không chung sống với con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhằm bảo đảm cho con cái được phát triển toàn diện, nhận được sự quan tâm, chăm sóc đồng thời nâng cao trách nhiệm của các bậc cha mẹ.
Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối, trốn tránh, không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì căn cứ theo quy định tại Điều 119 HN&GĐ, người được cấp dưỡng, người cha/mẹ còn lại đang sống với con, người giám hộ, người thân thích của con, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em… có quyền yêu cầu Toà án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Mức cấp dưỡng là bao nhiêu?
Theo Điều 116 HN&GĐ, pháp luật không quy định một mức cụ thể mà sử dùng hai căn cứ sau:
+ Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng
+ Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Căn cứ trên sự phù hợp của hai yếu tố này mà hai bên thoả thuận một mức hợp lý nhằm tránh trường hợp bên được quyền yêu cầu cấp dưỡng lạm dụng để yêu cầu một mức cấp dưỡng quá cao so với khả năng của người được cấp dưỡng hoặc người cấp dưỡng muốn trốn tránh trách nhiệm, chu cấp một mức quá thấp so với nhu cầu thiết yếu của con.
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Trường hợp các bên không thể thoả thuận được một mức cấp dưỡng hoặc phương thức cấp dưỡng hợp lý thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
3. Thời điểm nào thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt?
Căn cứ Điều 118 Luật HN&GĐ, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha và/hoặc mẹ không chung sống với con chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Con đã thành niên (đủ 18 tuổi) và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình
– Con được nhận làm con nuôi
– Cha mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con
– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết
Trên đây là nội dung pháp lý về: “CON ĐƯỢC SINH RA KHÔNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN (CON NGOÀI GIÁ THÚ) CÓ ĐƯỢC YÊU CẦU CHA VÀ/HOẶC MẸ KHÔNG CHUNG SỐNG CÙNG CON CẤP DƯỠNG KHÔNG?”
Mọi thắc mắc cần hỗ trợ hoặc tư vấn xin liên hệ:
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 0945174040