Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
1. Người thừa kế là ai?
– Theo Điều 613 Bộ luật dân sự 2015: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Theo đó Người thừa kế theo pháp luật được quy định theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
– Các tài liệu cần thu thập khi xác định người thừa kế:
Di chúc, Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân người thừa kế, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh (để chứng minh quan hệ huyết thống với người để lại tài sản thừa kế); trường hợp thừa kế thế vị thì ngoài giấy khai tử của ông bà còn phải có giấy khai tử của cha, mẹ người xin thừa kế thế vị, sổ hộ khẩu, bản khai lý lịch (để xác định quan hệ huyết thống).
– Lưu ý những người sau đây không có quyền được hưởng thừa kế theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015: Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế nhằm hưởng một phần hoặc tòan bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền được hưởng. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc tòan bộ di sản trái với ý muốn của người để lại di sản. Nhưng những người có hành vi này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản.
2. Một số quy định pháp luật về Di sản thừa kế
– Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 di sản bao gồm: “Tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
– Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau: Người có tài sản để lại còn có cả nghĩa vụ về tài sản, sau khi thực hiện nghĩa vụ tài sản thì phần còn lại sẽ được xác định là di sản thừa kế và được chia theo di chúc hay theo pháp luật. Tại Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Ngoài ra, pháp luật dân sự còn quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc quy định tại Điều 644 của BLDS như sau:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Đây mặc dù là quy định về người thừa kế, nhưng bản chất là quy định về nghĩa vụ của người để lại di sản.
3. Cách chia thừa kế cơ bản.
Bước 1. Xác định di sản thừa kế: Xác định di sản để lại là tài sản chung hay tài sản riêng. Thu thập các loại giấy tờ liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người để lại di sản như: các tư liệu sinh hoạt, tiền, vàng, bạc, xe, nhà ở, vốn cổ phần, tư liệu sản xuất để góp vốn doanh nghiệp hay để kinh doanh; các loại tài sản chung vợ chồng, tài sản được tặng cho chung, được thừa kế…
Bước 2. Xác định nghĩa vụ trả nợ của người chết để lại: Yêu cầu trả nợ của các chủ nợ, chi phí hợp lý thực tế để lo cho tang lễ, xây mộ, bốc mộ; chi phí bảo quản di sản, công sức trông nom, bảo vệ, gìn giữ di sản
Bước 3. Xác định diện thừa kế: Xác định người thừa kế, có di chúc hay không? hàng thừa kế, có thừa kế thế vị hay không? vẽ sơ đồ thừa kế trong trường hợp hàng thừa kế phức tạp (lưu ý không phải sơ đồ huyết tộc hay gia phả).
Bước 4. Chia hiện vật hay chia giá trị: Xác định kỷ phần thừa kế sau khi đã thực hiện hết nghĩa vụ tài sản, những người trong hàng thừa kế đều có quyền yêu cầu chia hiện vật, trong trường hợp không chia hiện vật được mới chia giá trị và thanh toán chênh lệch.
Nhìn chung, quyền thừa kế được đặt ra để đảm bảo việc chuyển dịch tài sản đối với một người đã chết đối với những người có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau như: Ông bà, cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng và người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc những người thân thiết khi người đó còn sống. Theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, mỗi người luôn mong muốn việc chia thừa kế được diễn ra một cách êm đẹp, những người thừa kế luôn tôn trọng, yêu thương, đoàn kết trong gia đình để duy trì và phát triển khối tài sản của người đã chết để lại.
Trên đây là những vấn đề cơ bản theo quy định pháp luật về di sản thừa kế và các bước chia thừa kế cơ bản mà Công ty Luật TNHH HT Legal VN chia sẽ, đây cũng là vấn đề mà mỗi người chúng ta nên tìm hiểu và có kiến thức cơ bản để tránh những tranh chấp không đáng có.
Luật sư chuyên tư vấn về thừa kế, di chúc, liên hệ Công ty Luật TNHH HT Legal VN:
Email: [email protected] Hotline: 0967687086 – 0901614040