Skip to content Skip to footer

Một số quy định mới về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng 2024 (LUẬT SƯ TƯ VẤN UY TÍN TẠI HÀ NỘI)

Trải qua hơn 06 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), với một lần được kéo dài thời hạn áp dụng. Ngoài ra các quy định về xử lý nợ xấu còn được quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và một số Thông tư khác của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành ngày 31/12/2023. Hiện, các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã được luật hóa thành một chương tại Luật các Tổ chức tín dụng 2024 (Chương XII. Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm), quy định về định nghĩa khoản nợ xấu, mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán xử lý nợ, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

1. Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về nợ xấu như thế nào?

Điều 195, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (Luật TCTD 2024) quy định nợ xấu bao gồm:

“Nợ xấu được áp dụng các quy định tại Chương này bao gồm:

1. Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán;

2. Nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.”

Như vậy, việc phân loại nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ là tiền đề để xác định đó có phải khoản nợ xấu hay không. Bên cạnh đó, Điều luật này cũng xác định rõ, khoản nợ xấu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm hai loại:

(1) “Nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước”;

(2) “Nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán”.

Hiên nay, quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung này là Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/07/2021 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trước đây, khi thực hiện thí điểm Nghị quyết 42 cho đến khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, từ sau ngày 01/01/2024 Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không được mua nợ xấu ngoại bảng nhưng với các quy định cụ thể về nợ xấu, Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã mở rộng phạm vi mua bán nợ xấu của các Tổ chức tín dụng với tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu khi bổ sung quy định mua bán nợ bao gồm cả nợ xấu nội bảng và ngoại bảng.

2. Quy định mở rộng đối tượng bán nợ xấu:

Trước đây, theo khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 42 quy định đối tượng được bán nợ xấu cho VAMC bao gồm: Tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài. Việc loại trừ VAMC được mua nợ xấu của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài, trong khi các tổ chức mua bán nợ khác (tổ chức tín dụng) đều được mua nợ của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài đã làm hạn chế phạm vi hoạt động của VAMC.

Tuy nhiên hiện nay, Điều 197 Luật TCTD 2024 đã mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC khi quy định VAMC được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường. Việc mở rộng phạm vi mua nợ xấu của VAMC bao gồm cả TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ của VAMC, đặc biệt là trường hợp nợ xấu phát sinh khi cho vay hợp vốn giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài, góp phần tạo sự bình đẳng giữa VAMC và các tổ chức mua bán nợ khác nhằm đảm bảo mục tiêu hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các TCTD và thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là tạo sự bình đẳng trong hoạt động giữa TCTD Việt Nam và TCTD nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Quy định về mua nợ có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ:

Trước đây, theo Nghị quyết 42 quy định khi mua bán nợ có thỏa thuận phân chia, VAMC và TCTD thống nhất với nhau để lựa chọn tổ chức định giá và giá mua bán khoản nợ này phải bằng giá trị định giá của tổ chức định giá.

Bất cập ở đây là việc mua bán nợ theo giá thị trường là tự nguyện theo thỏa thuận giữa các bên. Việc định giá bao nhiêu hoàn toàn do các bên tự đánh giá quyết định và đi đến thống nhất. Do đó quy định phải thống nhất lựa chọn tổ chức thẩm định giá và mua bán khoản nợ bằng đúng với kết quả thẩm định giá là không hợp lý, bị động và phụ thuộc vào bên thứ ba.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 32 Luật Giá quy định: “Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản.”

Theo đó, khoản 3 Điều 197 Luật TCTD 2024 đã không còn quy định bắt buộc VAMC phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập và mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá khi các bên lựa có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ sau khi trừ giá mua và chi phí hợp lý, mà chỉ quy định nguyên tắc như sau: “Tổ chức mua bán, xử lý nợ được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý”. Rõ ràng đây là một quy định tiến bộ và hợp lý cho tính chất thị trường của hoạt động mua bán nợ, xử lý nợ.

4. Quy định về nghĩa vụ thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm:

Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý nợ xấu sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Nhưng hiện tại, theo quy định tại Điều 199 Luật TCTD 2024, nội dung này đã có những thay đổi về thứ tự ưu tiên thanh toán, cụ thể:

– Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;

– Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;

– Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;

– Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;

– Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;

– Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nghĩa vụ nợ được bảo đảm không còn được ưu tiên thanh toán trước án phí và các khoản thuế, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết 42.

Theo đó, đối với bên vay, bên thế chấp thì việc phải hiểu rõ quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình cũng cực kỳ quan trọng vì những chi phí như bảo quản tài sản bảo đảm, chi phí thu giữ, chi phí xử lý tài sản… nếu không được kiểm soát, xem xét sẽ phát sinh thêm đáng kể nghĩa vụ cho họ, không thể trông chờ hoàn toàn vào một bên như: Cơ quan thi hành án, Ngân hàng, VAMC hay bên mua nợ sẽ sử dụng hợp lý chi phí, tiền bạc trong quá trình xử lý, phát mại tài sản

5. Các quy định trước đây của Nghị quyết 42/2017/QH14 không được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024:

a. Bãi bỏ quy định liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42

Quy định pháp luật trước đây ghi nhận nhiều phương thức xử lý tài sản bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm thông qua thủ tục tư pháp (Tòa án) hoặc ngoài tư pháp nếu đảm bảo đủ các điều kiện cụ thể kèm theo. Theo đó, quyền thu giữ tài sản bảo đảm cũng được quy định lần lượt tại các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm và quy định pháp luật khác như:

– Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT- NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 hướng dẫn việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

– Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

– Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, sau ngày 31/12/2023, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, toàn bộ các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm đã hết hiệu lực, các quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm hiện nay như: Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ… đều không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu không còn được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu.

Quy định về thu giữ không được luật hóa tại Luật TCTD 2024 là phù hợp với các quy định pháp luật khác của hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể:

– Theo quy định tại Điều 32, Điều 51 và Điều 106 Hiến pháp năm 2013:

“Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp…”;

“Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”;

“Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”;

“Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

– Theo quy định tại Điều 163, Điều 241, Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”;

“Quyền sở hữu đối với một tài sản chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nếu pháp luật không có quy định khác”;

“Việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu không áp dụng đối với tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật”;

“Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Thêm nữa, việc cho phép tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm (tức là thu giữ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an trong quan hệ dân sự giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà không thuộc trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 quy định có thể dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức; hành chính hóa quan hệ dân sự – kinh tế. Chưa kể, tạo sự không công bằng giữa các tổ chức, cá nhân và mọi thành phần kinh tế, xã hội khác nhau.

Về thực tiễn, có nhiều quan điểm cho rằng, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả xử lý nợ xấu đã được cải thiện rõ rệt, con nợ hợp tác hơn và tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cải thiện rõ rệt. Việc không tiếp tục quy định về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không nhận được sự hợp tác của “con nợ”, mà chỉ có cách giải quyết đó là khởi kiện khách hàng vay, tuy nhiên, biện pháp khởi kiện khách hàng vay còn nhiều khó khăn, bất cập trên thực tế, khi thời gian tiến hành các thủ tục tố tụng kéo dài, thông thường nếu các bên không hợp tác thì một vụ án kéo dài trong nhiều năm mà Tòa án vẫn chưa giải quyết, ảnh hưởng lớn đến chi phí bảo quản, hao mòn tài sản bảo đảm cũng như các chi phí liên quan khác trong quá trình tố tụng nhưng đây là quan điểm và số liệu chưa rõ về thống kê và hơi hướng phát xuất từ báo cáo của ngân hàng.

Trong khi đó, Cơ quan tư pháp như Tòa án vẫn báo cáo làm tốt nhiệm vụ, thời gian xử lý vụ án là nhanh chóng, tỷ lệ án tồn đảm bảo và chúng ta cũng chưa thật sự có một khảo sát phù hợp nhất, cụ thể nhất từ ý kiến của bên vay, bên bảo đảm (thế chấp) nên chưa thể coi là trung dung. Với chính sách và tốc độ cải cách tư pháp, thủ tục hành chính như hiện tại thì việc quy định luật hóa và chuẩn mực như hiện tại là bước đi tiến bộ và phù hợp nhằm đảm bảo sự công bằng, ổn định cho mọi thành phần kinh tế, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật và tạo ra sự cân bằng giữa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân có liên quan.

b. Bãi bỏ quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản tại Nghị quyết 42

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản. Theo quy định tại Nghị quyết 42, việc chuyển nhượng dự án bất động sản chỉ cần tuân thủ một số điều kiện về: dự án, bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng… điều kiện cần đáp ứng khi chuyển nhượng dự án theo Nghị quyết 42 tương đối thoáng và ít các điều kiện hơn so với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, khi thực hiện luật hóa, quy định về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản đã được sửa đổi, theo đó, khi thực hiện chuyển nhượng dự án bất động sản, cần phải đáp ứng toàn bộ các quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, cụ thể như sau:

– Dự án phải đáp ứng toàn bộ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật kinh doanh bất động sản.

– Chủ đầu tư chuyển nhượng ngoài việc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất còn phải đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản.

– Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án cần phải đáp ứng toàn bộ các quy định của Luật kinh doanh bất động sản.

c. Các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD không còn được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024

Bên cạnh quy định liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản như phân tích trên, một số quy định của Nghị quyết 42 không còn được quy định tại Luật TCTD 2024 như:

– Quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án;

– Quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án;

– Quy định bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên;

– Quy định hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự;

– Quy định về phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ: Một số quy định mới về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng 2024. Hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH HT Legal VN để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp về vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp.

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: [email protected]        Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 094517404

Leave a comment

Mạng xã hội
Chúng tôi giải quyết các vấn đề của bạn trong khu vực tư nhân và hỗ trợ doanh nghiệp của bạn.
 

Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo, vui lòng trao đổi với Luật sư, Chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế. Yêu cầu phải trích dẫn nguồn khi sao chép và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới.

Liên hệ
  • Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
  • VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
  • VP2: Số 5 Ngách 252/115 Phố Tây Sơn, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
  • Hotline: 09 6768 7086
  • Hotline: 09 0161 4040
  • Email: [email protected]
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

    Website cùng hệ thống

    © 2025. Copyright HT Legal VN Law Firm

    Ngôn Ngữ »
    All in one