Di chúc được hiểu một cách khái quát nhất là phương tiện thể hiện ý chí, tâm nguyện không chỉ về mặt tinh thần mà còn về việc để lại tài sản của một người trước khi mất. Việc lập di chúc có thể tránh được các tranh chấp không đáng có về tài sản giữa những người thân yêu của mình, cũng như giao lại việc duy trì và bảo vệ tài sản của gia đình qua nhiều thế hệ nên nhiều người thực hiện việc lập di chúc như một biện pháp hữu hiệu nhất. Một trong những điều kiện để di chúc của một người trở thành một di chúc hợp pháp thì di chúc đó cần có người làm chứng.
Vậy có phải ai cũng có thể trở thành người làm chứng cho việc lập di chúc không? Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin giải đáp thắc mắc của bạn đọc cũng như Quý khách hàng các quy định liên quan đến người làm chứng cho việc lập di chúc.
I – Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự năm 2005
Bộ luật Dân sự năm 2015
II – Nội dung
- Khái niệm về người làm chứng cho việc lập di chúc
Người làm chứng cho việc lập di chúc là người chứng kiến quá trình lập di chúc của người để lại tài sản một cách khách quan, không bị ràng buộc hay bị tác động bởi bất kì yếu tố nào, thông qua đó, họ sẽ xác nhận khả năng nhận thức của người lập di chúc và bảo đảm nội dung của di chúc thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của người để lại tài sản thông qua việc điểm chỉ hay kí tên vào di chúc.
- Những loại di chúc yêu cầu có người làm chứng
Để cho việc lập di chúc được bảo đảm tính khách quan, vô tư, xác thực và phản ánh đúng ý chí của người lập di chúc, pháp luật quy định di chúc phải được lập trước sự chứng kiến của ít nhất hai người làm chứng. Đó là các loại di chúc:
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ;
– Di chúc do người lập di chúc tự mình đánh máy;
– Di chúc do người lập di chúc nhờ người khác viết hộ hoặc nhờ đánh máy bản di chúc;
– Di chúc miệng.
- Phân tích các điều kiện để được trở thành người làm chứng cho việc lập di chúc
Căn cứ theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015, một người có thể trở thành người làm chứng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, người làm chứng không phải là người thừa kế
Theo Khoản 1 Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật đã loại trừ quyền được làm chứng cho việc lập di chúc của người thừa kế để đảm bảo tính khách quan, công bằng của di chúc, tránh trường hợp những người này cưỡng ép, lừa dối người để lại tài sản.
Đối với người thừa kế theo di chúc, pháp luật loại trừ quyền được làm chứng của họ là hoàn toàn hợp lí, họ không được quyền làm chứng trong quá trình người thân của mình lập di chúc để đảm bảo di chúc mang tính khách quan vì quá trình làm chứng để định đoạt tài sản của chính họ sẽ không được tin cậy. Tuy nhiên, đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật, chúng tôi cho rằng pháp luật loại trừ quyền thừa kế của những người này là thiếu khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Khoản 1 Điều 651 quy định về Người thừa kế theo pháp luật bao gồm những người sau đây:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Như ta đã thấy, những người thừa kế theo pháp luật gồm ba hàng thừa kế rất rộng. Trong một số trường hợp nhất định thì việc tìm kiếm người làm chứng không thuộc hàng thừa kế trên rất khó khăn. Thực tế đã chứng minh, đối với loại di chúc miệng được lập trong tình trạng khẩn cấp, tức khi đó người muốn để lại di sản đang trong tình trạng hấp hối không qua khỏi thì khó có thể tìm một người làm chứng đáp ứng đủ điều kiện cho quá trình người để lại tài sản thể hiện di nguyện cuối cùng. Thông thường, người thừa kế được hưởng di sản thường dừng lại ở hàng thừa kế thứ hai, nếu pháp luật hạn chế quyền làm chứng của cả hàng thứ ba thì quá rộng, gây khó khăn cho việc tìm người làm chứng đủ điều kiện. Thiết nghĩ, pháp luật nên có những sửa đổi về quy định những người thuộc hàng thừa kế thứ ba vẫn được quyền làm chứng trong một số trường hợp nhất định nếu có căn cứ cho rằng họ chứng kiến quá trình đó một cách khách quan, thể hiện đúng di nguyện của người để lại tài sản.
Thứ hai, người làm chứng không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
Những người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung của di chúc như: người là đồng sở hữu đối với phần tài sản định đoạt trong di chúc; người nhận thế chấp di sản; con nợ, chủ nợ của người lập di chúc,.. nếu cho họ làm chứng có thể làm nội dung của di chúc trở nên không khách quan vì những người này có thể tác động đến nội dung di chúc theo chiều hướng có lợi cho họ nhằm mục đích tư lợi hay trốn tránh nghĩa vụ nên pháp luật không cho phép những người này làm chứng là hoàn toàn hợp lí.
Thứ ba, người làm chứng không phải là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Ở Bộ luật Dân sự 2005, các nhà lập pháp đã quy định về điều kiện độ tuổi, khả năng nhận thức của người làm chứng cho việc lập di chúc như sau: Người làm chứng không được là người chưa đủ 18 tuổi; không được là người không có năng lực hành vi dân sự (Điều 654). Đây vẫn là một điều luật còn thiếu sót vì không nhắc đến quyền không được làm chứng của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị khiếm khuyết về thể chất ảnh hưởng đến khả năng nhận thức mọi thứ xung quanh như mù, câm, điếc,…
Qua nghiên cứu thực tiễn, nhà làm luật đã sửa đổi, bổ sung thêm quy định những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không được làm chứng cho việc lập di chúc trong Bộ luật Dân sự 2015 thông qua Khoản 3 Điều 632. Quy định này đã tiến bộ hơn so với quy định tại Bộ luật dân sự 2005 trước đây. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành này vẫn còn bất cập vì không đề cập đến nhóm người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người bị khiếm khuyết về thể chất ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tức pháp luật đã thừa nhận khả năng được làm chứng cho việc lập di chúc của những người này.
Thứ tư, người làm chứng cho di chúc miệng phải là người biết chữ.
Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện để di chúc miệng của một người trở thành một di chúc hợp pháp: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”
Phân tích điều luật trên ta thấy, trong di chúc miệng, người làm chứng phải ghi chép lại di nguyện của người để lại tài sản. Để ghi chép được thì điều kiện tiên quyết là người làm chứng phải biết chữ để có thể xác nhận nội dung của bản di chúc trong tình huống Tòa án yêu cầu hay khi phát sinh tranh chấp (nếu có).
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về các quy định liên quan đến người làm chứng cho việc lập di chúc. Nếu Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần liên hệ hỗ trợ thì vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0967687086 – 0901614040