Trong đời sống thực tiễn, khi gặp phải các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, lao động… đa phần người bị xâm phạm lợi ích lựa chọn khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, không phải nguyên đơn dân sự nào cũng nắm được các quy định về quyền lựa chọn Tòa án phù hợp với tính chất vụ việc và có lợi cho mình.
Do đó, trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến bạn đọc về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của nguyên đơn, giúp Quý khách hàng có thêm những thông tin pháp lý cũng như có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của bản thân.
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
2. Nội dung
Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp được quy định như sau:
– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là bởi vì trên thực tế, việc xác định được bị đơn cư trú ở đâu không dễ dàng. Có trường hợp bị đơn liên tục thay đổi nơi cư trú, không có nơi ở cố định, bị đơn có hành vi khai báo gian dối nơi cư trú, đi nước ngoài,… điều này khiến cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc xác minh nơi cư trú chính xác của bị đơn. Chính vì vậy, việc cho phép nguyên đơn được khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn tiến hành khởi kiện.
– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết.
Do nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, các tổ chức có xu hướng thành lập nhiều chi nhánh khác tỉnh, thành phố với nơi tổ chức có trụ sở chính. Pháp luật cho phép nguyên đơn khởi kiện ra Tòa án ở cả 2 nơi (nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi đặt chi nhánh) nhằm giảm bớt khoảng cách địa lý khi có tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh.
– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Xu thế toàn cầu hóa hiện nay diễn ra vô cùng sâu rộng, việc giao lưu, liên kết, trao đổi xuyên biên giới diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là việc kí kết hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, trong trường hợp này, nếu xác định được bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể lựa chọn khởi kiện tại nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở để giải quyết.
Còn đối với vấn đề cấp dưỡng, khi nguyên đơn có quyền yêu cầu Toà án nơi cư trú của mình giải quyết cũng đã đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người yêu cầu cấp dưỡng thực hiện quyền của mình trong những trường hợp như cách nhau về khoảng cách địa lý, đáp ứng được nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự để thực hiện quyền tố tụng.
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết.
Hiểu đơn giản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm không phát sinh từ hợp đồng mà phát sinh từ hành vi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác hoặc tài sản gây thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện:
(i) Có thiệt hại xảy ra;
(ii) Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật;
(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi trái pháp luật xảy ra;
(iv) Có chứa yếu tố lỗi của người gây thiệt hại.
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, qua nghiên cứu pháp luật lao động Việt Nam hiện hành cũng như thực tiễn xét xử, pháp luật Việt Nam có thiên hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động hơn so với người sử dụng lao động. Người lao động là bên yếu thế trong quan hệ lao động việc làm, khi xảy ra tranh chấp, khả năng họ sẽ rơi vào hoàn cảnh mất việc làm, mất đi nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống nên do đó, không chỉ trong pháp luật lao động, pháp luật tố tụng dân sự cũng đã tạo điều kiện cho người lao động là nguyên đơn dân sự được lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết khi phát sinh tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác.
– Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết.
Theo từ điển Tiếng Việt, cai thầu là người đứng trung gian nhận việc của chủ chính sau đó thuê mướn và điều hành người lao động làm việc, hoàn thành công việc đã nhận với chủ chính. Do tính chất làm việc trung gian nên nếu xảy ra tranh chấp, chủ yếu là tranh chấp về việc trả công, người lao động sẽ gặp khó khăn khi xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Đối với cai thầu lao động, người lao động sẽ ít được tiếp xúc với chủ chính, nhất là trong lĩnh vực xây dựng nên vô hình trung, quy định này đã thu hẹp lại phạm vi lựa chọn Tòa án của người lao động khi xảy ra tranh chấp. Do đó, pháp luật cần thiết bổ sung thêm việc lựa chọn nơi người lao động được giao thực hiện công việc thông qua cai thầu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được bảo vệ.
– Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết.
Theo đó, pháp luật vẫn chưa định nghĩa rõ ràng thế nào là “nơi hợp đồng được thực hiện” nên trong thực tiễn xét xử, Tòa án thường xác định “nơi hợp đồng được thực hiện” là nơi phát sinh nghĩa vụ chính của hợp đồng. Tuy nhiên, điều khoản trên không có giới hạn về nơi hợp đồng được thực hiện nên trong trường hợp quyền và nghĩa vụ đã cam kết được thực hiện ở nhiều nơi, nguyên đơn có thể cân nhắc lựa chọn Tòa án nơi một trong các địa điểm trên để tạo điều kiện có lợi nhất cho mình.
– Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Trên thực tế, không phải ai cũng có thể nắm được quy định này. Khi rơi vào tình huống muốn khởi kiện nhiều người ở nhiều nơi khác nhau, nguyên đơn thường có xu hướng tách đơn khởi kiện, tiến hành gửi đến từng nơi các bị đơn cư trú, 6 bị đơn ở 6 nơi khác nhau thì sẽ gửi đơn khởi kiện đến 6 nơi đó. Như vậy sẽ tốn nhiều công sức, tiền bạc, khiến thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài. Do đó, trong trường hợp người khởi kiện đã nộp đơn khởi kiện tại nhiều Tòa án khác nhau yêu cầu giải quyết cùng một vấn đề tranh chấp thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Các Tòa án khác, nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào các quy định hiện hành nhằm tiến hành trả lại đơn khởi kiện.
– Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
Quy định này không chỉ tạo điều kiện cho nguyên đơn mà còn tạo điều kiện cho Tòa án nơi có bất động sản. Trên thực tế, cơ quan quản lý địa phương nơi có bất động sản sẽ nắm giữ hồ sơ, giấy tờ, tình trạng, nguồn gốc bất động sản một cách đầy đủ và toàn diện. Chính vì vậy, khi lựa chọn Tòa án nơi có bất động sản giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc xác minh, thẩm định, định giá bất động sản đó, bảo đảm giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên tinh thần của các điều khoản trên, có thể thấy pháp luật luôn ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện tối đa cho họ khi thực hiện quyền khởi kiện nhằm đòi lại quyền lợi cho chính mình. Một vụ kiện trên thực tế tốn rất nhiều thời gian để giải quyết, do đó, xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì điều này sẽ mang lại những lợi thế bước đầu cho nguyên đơn so với bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như về mặt khoảng cách địa lý, tiết kiệm được chi phí đi lại, tối ưu hóa các vấn đề phát sinh trong quá trình theo đuổi vụ kiện.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của nguyên đơn. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH HT Legal VN chuyên tư vấn, trợ giúp khách hàng trong việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ khởi kiện. Để được hỗ trợ và giải đáp chi tiết, vui lòng liên hệ:
Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
(Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0967687086 – 0901614040