Hiện nay không hiếm những trường hợp sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi dưỡng con chậm thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không đầy đủ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của trẻ. Vậy pháp luật hiện hành đã có những quy định nào nhằm hạn chế và ngăn chặn những hành vi như trên hay chưa? Để trả lời câu hỏi trên, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ bài viết dưới đây để Quý khách hàng có thông tin pháp lý tham khảo.
- Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (“Nghị định 144/2021/NĐ-CP”).
- Nội dung
- Quy định chung về nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 82 và Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Như vậy cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con trong các trường hợp trên. Ngoài ra, khi người có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình, những người được quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 dưới đây có quyền yêu cầu Tòa án buộc người đó phải thực hiện việc cấp dưỡng:
- Người được cấp dưỡng, cha, mẹ, người giám hộ hoặc người thân thích của người được cấp dưỡng.
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ.
Theo quy định trên, khi cha, mẹ không trực tiếp nuôi con trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì những người và cơ quan kể trên có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thẩm quyền, thủ tục, trình tự giải quyết yêu cầu cấp dưỡng được thực hiện theo pháp luật về tố tụng dân sự.
- Chế tài khi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, chậm trả tiền cấp dưỡng
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, chậm trả tiền cấp dưỡng thì có thể sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý dưới đây:
- Trách nhiệm hành chính
Điểm b khoản 1, 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Hơn nữa, người này còn có thể bị yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như một biện pháp khắc phục hậu quả.
- Trách nhiệm dân sự
Người chậm thanh toán tiền cấp dưỡng có thể bị yêu cầu bồi thường phần lãi chậm trả theo Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên việc có phải chịu phần lãi chậm trả nói trên hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của Tòa án. Bản chất nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bằng tiền nên khi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được xem như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 và phải chịu tiền lãi chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại Điều 186 về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:
“Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Theo quy định trên, cha, mẹ từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con hoặc đã bị phạt hành chính về hành vi này mà vẫn vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bài viết trên đây là tổng quan về chế tài đối với hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH HT Legal VN cung cấp các dịch vụ tư vấn và soạn thảo hợp đồng mua phần vốn góp, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cùng các với dịch vụ soạn thảo, nộp hồ sơ. Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040