Ngày 23/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số: 02/2023/TT-NHNN quy định về việc Tổ chức Tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Liên quan đến điều kiện áp dụng chính sách, quy định tại Thông tư này, Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp của Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Các tổ chức tín dụngngày 16 tháng 6 năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 (Sau đây gọi là Thông tư 02/2023).
Nội dung:
- Quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của Ngân hàng
Tổ chức Tín dụng nói chung, Ngân hàng nói riêng được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của Tổ chức Tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:
- Thứ nhất, dư nợ gốc của khách hàng phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (nghĩa là dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/4/2023).
- Thứ hai, khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
- Thứ ba, khách hàng có số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Như vậy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi chỉ áp dụng đối với các khoản nợ còn trong hạn hoặc nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (Nhóm 01).
- Thứ tư, khách hàng được Ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.
- Thứ năm, khách hàng được Ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Lưu ý: Ngân hàng sẽ không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật. Ngoài ra, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
- Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ
Căn cứ tại Điều 5.1 Thông tư 02/2023, Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định pháp luật.
- Khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định trên còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại của Ngân hàng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định pháp luật.
- Khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định trên quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Thông tư này, thì Ngân hàng sẽ phải thực hiện phân loại nợ theo quy định pháp luật.
- Khách hàng cần làm gì nếu muốn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ
Theo đó, việc áp dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng giúp giảm bớt áp lực về nghĩa vụ trả nợ, không bị chuyển vào nhóm nợ có mức rủi ro cao hơn nhưng để là đối tượng áp dụng của những chính sách trên bên vay, bên thế chấp cần:
- Chủ động làm việc và có văn bản đề nghị Ngân hàng đánh giá việc đang khó khăn hoặc không còn khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.
- Phối hợp tốt với Ngân hàng để xây dựng phương án tạo lập nguồn thu khả thi đáp ứng được yêu cầu trả nợ theo thời hạn cơ cấu lại của Ngân hàng.
- xác định kế hoạch trả nợ phù hợp với khả năng tạo lập nguồn thu dự kiến và thời hạn trả nợ được Ngân hàng cơ cấu lại.
- Không nên trốn nợ Ngân hàng, nói dễ hiểu là trốn nợ không hề dễ dàng vì thông thường các giao dịch/hợp đồng Ngân hàng làm theo mẫu, chặt chẽ và tuân thủ pháp luật. Ngoài ra việc trốn (không liên hệ được, không phản hồi) là hành vi nguy hiểm cho bản thân bên vay, bên thế chấp vì có thể bị xử lý hình sự theo những tội danh liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Tham vấn Luật sư hoặc Công ty Luật có uy tín, chuyên môn về lĩnh vực xử lý nợ Ngân hàng để được Luật sư của mình làm việc với Ngân hàng để xin cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ phù hợp quy định pháp luật, đảm bảo tối đa quyền, lợi ích của bên vay, bên thế chấp.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN là Công ty Luật tiên phong trong việc hỗ trợ bên vay, bên thế chấp và cung cấp các giải pháp pháp lý phù hợp nhằm giải quyết các công việc liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tại Ngân hàng cho Quý khách hàng có nhu cầu.
Liên hệ Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040