Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ “Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình…”. Vậy các biện pháp mà pháp luật cho phép là gồm các biện pháp nào? Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ nội dung liên quan đến vấn đề này nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
I. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005);
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009);
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022);
– Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp;
– Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
II. Nội dung
Dựa vào chủ thể thực hiện biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, có thể chia các biện pháp thành hai loại: biện pháp bảo vệ do chính chủ thể quyền sở hữu trí tuệ áp dụng và biện pháp bảo vệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
1. Biện pháp bảo vệ do chính chủ thể quyền sở hữu trí tuệ áp dụng
Quyền tự bảo vệ là biện pháp quan trọng và cần thiết đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Căn cứ theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 76 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
(i) Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
(ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
(iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
(iv) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
*Lưu ý: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
2. Biện pháp bảo vệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp sau đây khi có nghi ngờ hoặc phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
2.1. Biện pháp hành chính
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây, căn cứ tại Khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 27 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin trích một số hành vi xâm phạm:
(i) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
(ii) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
(iii) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
(i) Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(ii) Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, các biện pháp hành chính chủ yếu sẽ bao gồm phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả tùy mức độ của từng hành vi vi phạm. Một số văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm Nghị định 99/2013/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định 131/2013/NĐ-CP về quyền tác giả, quyền liên quan.
2.2. Biện pháp dân sự
Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định liên quan đến các biện pháp dân sự mà Tòa án áp dụng để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
– Buộc bồi thường thiệt hại;
– Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2.3. Biện pháp hình sự
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự được quy định tại Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 79 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Các quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể kể đến Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan), Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
2.4. Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
*Lưu ý: biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Việc tìm hiểu về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giúp các tổ chức, cá nhân nắm thêm kiến thức về vấn đề này. Tuỳ từng trường hợp, bên bị xâm phạm có thể xem xét hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại để có thể đánh giá và đưa ra các yêu cầu áp dụng từng biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp tương ứng. Để được tư vấn rõ hơn xin vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH HT Legal VN nếu có nhu cầu tư vấn.
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
Email: [email protected] Hotline: 0967687086 – 0901614040
1 Comment
Tran Van Ton Quyen
Bài viết hữu ích thật, cám ơn Luật sư.