Giả mạo chữ ký trong di chúc xảy ra khi ai đó sao chép hoặc nhái chữ ký của người khác trong tài liệu di chúc. Hành vi này được coi là một hình thức của vi phạm pháp luật. Vậy giả chữ ký trong di chúc sẽ bị xử lý như thế nào?
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung 2020;
- Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
II. Nội dung
1. Các hình thức xử lý người giả chữ ký trong di chúc
Di chúc được xây dựng hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của người để lại di chúc. Trên thực tế, có không ít người thừa kế đã giả mạo chữ ký của người lập di chúc nhằm chiếm đoạt phần di sản mà mình không được hưởng trong di chúc. Việc giả mạo chữ ký của người lập di chúc là hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, nếu một người làm giả chữ ký trong di chúc thì sẽ bị xử lý như sau:
Thứ nhất, không được quyền hưởng di sản
Theo điểm d khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì không được quyền hưởng di sản.
Thứ hai, bị xử phạt hành chính
Việc giả mạo chữ ký trong di chúc của người khác có thể được xem là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, chịu trách nhiệm hình sự
Nếu làm giả chữ ký trong di chúc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu người làm giả có đầy đủ dấu hiệu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử lý về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi bổ sung với các khung hình phạt sau đây:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
– Điểm b Khoản 4 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật số 12/2017/QH14
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
2. Cách xác định chữ ký trong di chúc là giả mạo?
Để xác định chữ ký trong di chúc là thật hay giả thì người thừa kế theo di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật có thể yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng giám định chữ ký khi có tranh chấp về việc thừa kế.
Theo khoản 1 Điều 26 Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung 2020, thì người yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết cần phải chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
- Mẫu đơn yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết;
- Đối tượng giám định (Văn bản có chứa chữ ký, chữ viết cần giám định)
- Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có)
- Tài liệu chứng minh mình là đương sự trong vụ án dân sự.
Theo khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020, thời hạn giám định tư pháp tối đa trong các vụ án dân sự là 03 tháng, nếu có tính chất phức tạp thì thời hạn tối đa là 04 tháng.
Nếu Quý khách hàng cần tư vấn pháp luật về thực hiện các vấn đề pháp lý về di chúc, thừa kế, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
Email: [email protected] Hotline: 09 6768 7086 – 09 0161 4040
2 Comments
gnvdqltkkt
Muchas gracias. ?Como puedo iniciar sesion?
le sy quynh trang
Bài viết hữu ích quá