1. Thừa kế là gì?
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Điều 609 của Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
Trong quá trình tư vấn pháp luật về thừa kế, Công ty Luật TNHH HT Legal VN thấy rằng thường xẩy ra 2 vấn đề lưu tâm về việc thừa kế:
– Người để lại di sản có di chúc mong muốn khi mình chết đi tài sản sẽ được chuyển dịch theo đúng nguyện vọng, hợp pháp không xảy ra việc tranh giành giữa những người thừa kế, di sản của mình sẽ được người thừa kế sử dụng đúng mục đích, nguyện vọng.
– Khi ông bà, cha mẹ hoặc có người để lại di chúc cho mình đã chết, những người thừa kế muốn biết làm cách nào để được thừa kế bằng thủ tục nhanh gọn, đơn giản nhất, khi có người tranh chấp di sản thì làm thế nào để giải quyết.
Theo đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định hẳn một chế định về thừa kế nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan.
2. Về thời điểm, địa điểm mở thừa kế; thời hiệu chia thừa kế như thế nào?
Theo quy định tại Điều 611 Bộ Luật dân sự 2015: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Việc xác định thời điểm mở thừa kế rất quan trọng, vì đây là căn cứ để phát sinh quyền và nghĩa vụ thừa kế và cũng là căn cứ để tính thời hiệu khởi kiện chia thừa kế; xác định được người thừa kế (nếu có tranh chấp). Các tài liệu cần phải thu thập để tính thời điểm mở thừa kế là: Giấy khai tử, quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án, trong trường hợp không có các loại giấy tờ trên thì ngày chết ghi trên bia mộ hoặc ngày giỗ, kỵ hằng năm cũng là căn cứ để tính ngày mở thừa kế.
Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng, thì địa điểm mở thừa kế là nơi có tòan bộ hoặc phần lớn di sản đây là căn cứ để xác định di sản; xác định Tòa án có thẩm quyền thụ lý và là nơi thực hiện nghĩa vụ của người thừa kế.
Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể thừa thời điểm mở thừa kế.”
Nói đến thời hiệu khởi kiện cần lưu ý như sau:
– Thời gian không tính vào thời hiệu như sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; thời điểm bắt đầu thời hiệu.
– Quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện trong thời gian từ 1/7/1996 đến 1/1/1999 là 2 năm 6 tháng đối với trường hợp thừa kế là nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước 1/7/1999.
– Quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện trong thời gian từ 1/7/1996 đến 1/9/2006 đối với trường hợp thừa kế là nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Không áp dụng thời hiệu về thừa kế là đã quá 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các thừa kế không có văn bản thỏa thuận thì chỉ được coi là tài sản chung để khi tất cả các thừa kế đều thừa nhận đó là tài sản chung (hay nói cách khác đều thừa nhận đó là di sản mà tất cả các thừa kế đều được hưởng).
Để áp dụng đúng quy định pháp luật và đạt tính hiệu quả trong từng sự vụ cụ thể và phù hợp với thực tế, đòi hỏi kiến thức pháp lý và kinh nghiệm nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật. Trường hợp cần tư vấn pháp luật hoặc giải quyết các sự vụ liên quan chế định thừa kế, vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HT Legal VN:
Email: [email protected]
Hotline: 0967687086 – 0901614040
Website:www.htlegalvn.com – www.luatsutphochiminh.vn – www.luatsutphanoi.vn