Skip to content Skip to footer

MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT PHỔ BIẾN TRONG LĨNH VỰC QUẢNG CÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (LUẬT SƯ TƯ VẤN UY TÍN TẠI HÀ NỘI)

Trong thời đại công nghệ số ngày nay, quảng cáo là hoạt động gần như vô cùng quan trọng vừa góp phần thúc đẩy khuynh hướng tiêu dùng của con người, vừa đảm bảo cho họ được tiếp cận những thông tin được tuyên truyền, biết được công năng của một sản phẩm, dịch vụ nào đó, từ đó làm thúc đẩy mua sắm, thương mại, góp phần lớn vào phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực mà hoạt động quảng cáo mang lại thì song song đó vẫn tồn tại những hành vi quảng cáo có thể gây ảnh hưởng xấu đến một tổ chức, cá nhân nào đó hay thậm chí cả xã hội, do đó bị pháp luật xem là hành vi vi phạm và cấm thực hiện. Vậy đó là những hành vi quảng cáo nào nào?

Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách bài viết sau đây về “Một số các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay”.

I. Cơ sở pháp lý:

  • Luật Thương mại 2005 số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; 

  • Luật quảng cáo 2012 số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018;

  • Luật cạnh tranh 2018 số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018;

II. Nội dung

1. Khái niệm:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012:

“Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”

Từ định nghĩa nêu trên, căn cứ vào mục đích của quảng cáo, quảng cáo được chia thành:

– Quảng cáo thương mại: mục đích để giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đó đến công chứng nhằm thúc đẩy việc mua sắm, sử dụng hàng hoá, dịch vụ vì mục tiêu lợi nhuận;

– Quảng cáo phi thương mại: mục đích để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lời. Thông thường loại quảng cáo này do Nhà nước thực hiện nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục xã hội.

2. Các hành vi bị pháp luật cấm trong hoạt động quảng cáo

Như đã nêu ở trên, quảng cáo là một hoạt động có tầm quan trọng trong xã hội hiện nay, có khả năng tác động đến nhận thức, hành vi, thậm chí là định hướng cả hành vi của người xem quảng cáo, do đó nhà nước cần can thiệp, điều chỉnh, cho phép thực hiện quảng cáo trong khuôn khổ pháp luật để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vì một số thế lực xấu có thể lợi dụng truyền thông, quảng cáo mà tuyên truyền những thông tin tiêu cực cho xã hội. Căn cứ Điều 109 Luật Thương mại 2005 và Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các hành vi quảng cáo bị cấm bao gồm:

Nhóm 1: Bản thân sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ này nếu được quảng cáo sẽ không đem lại lợi ích, thậm chí còn gây nguy hiểm cho xã hội, do đó việc nhà nước cấm là nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn cho xã hội. Nhóm này gồm các hành vi bị cấm sau:

– Quảng cáo những sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo:

+ Thuốc lá; Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên và các sản phẩm;

+ Hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo;

+ Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;

+ Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc;

+ Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;

+ Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực…

– Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ:

+ Hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh như: vũ khí quân dụng; ma tuý; mại dâm; dịch vụ đòi nợ; kinh doanh pháo nổ …

+ Hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh như: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao; Hàng hoá có chứa chất phóng xạ; Thuốc lá điếu, xì gà; Dịch vụ karaoke, vũ trường…

 

Nhóm 2: Nhóm quảng cáo này gây ảnh hưởng đến chính trị, nhà nước, độc lập, chủ quyền quốc gia, trái với đạo đức, văn hoá, truyền thống dân tộc… Nhà nước ta luôn cố gắng đập tan các thế lực thù địch luôn cố gắng chống phá Đảng và Nhà nước. Ở thời đại hiện nay, họ không chỉ tấn công bằng vũ lực mà với các thủ đoạn tinh vi hơn là thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông, các sản phẩm quảng cáo. Do đó việc Nhà nước cấm các hành vi quảng cáo này là phù hợp để bảo vệ sự an toàn, đoàn kết của xã hội, dân tộc, đất nước ta. Nhóm này gồm các hành vi bị cấm sau:

– Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội;

– Quảng cáo có sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật;

Ví dụ: Liên quan đến chiến dịch quảng cáo của Coca Cola với slogan “mở Lon Việt Nam”, cụm từ “mở lon Việt Nam” không rõ nghĩa, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo. Cụm từ này có thể được hiểu là “mở lon Coca Cola tại Việt Nam” hay không, hay nó sẽ được hiểu theo rất nhiều nghĩa không trang trọng khác? Ngoài ra, việc gắn chữ “lon” như cách của Coca Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo. 

– Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

– Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

– Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

Nhóm 3: Nhóm hành vi này có phạm vi tác động nhỏ hơn nhưng làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân cụ thể, xâm phạm đến quyền lợi được pháp luật bảo vệ. Các hành vi bị cấm này bao gồm:

– Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

– Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

– Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về:

+ Khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

+ Số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

– Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

Nhóm 4: Nhóm hành vi bị cấm để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có quy định cấm quảng cáo so sánh trong pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, tạo một môi trường cạnh tranh công bằng để thúc đẩy sự cạnh tranh, phát triển của các chủ thể kinh doanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Các hành vi bị cấm như sau:

– Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác.

Ví dụ 1: Hai nhãn hiệu Milo và Ovaltine đang gây sự chú ý với cuộc cạnh tranh “ngầm” trong thông điệp quảng cáo sản phẩm, ngay sau khi Milo ra mắt chiến dịch “Nhà vô địch” thì Ovaltine cũng tung một loạt ấn phẩm ngầm đá xoáy vào thông điệp của đối thủ. Ovaltine còn dùng ngay màu chủ đạo của Milo và tổ chức “tổng tấn công” trên các mặt trận digital lẫn activation.

Ví dụ 2: Viettel khi thực hiện quảng cáo đã so sánh bảng giá cước dịch vụ của mình với bảng giá cước dịch vụ của VNPT để khách hàng thấy được ưu điểm dịch vụ của mình. 

– Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

– Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.

Ví dụ 1: Quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm:

Công ty CP Tân Ích Mỹ phân phối độc quyền loại sữa Alpha Lipid từ Công ty New Image Intermational (có xuất xứ từ New Zealand). Mỗi lon sữa Alpha Lipid được bán với giá 1,5 triệu đồng. Thông tin quảng cáo cho biết sữa có hàng trăm tác dụng, từ làm lành chấn thương sau phẫu thuật, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, chống suy giảm hệ miễn dịch bệnh lao phổi, tim mạch, tai biến mạch máu não, tiểu đường, gan, đến hỗ trợ điều trị ung thư, bôi vào vết thương sau phẫu thuật thay cho thuốc kháng sinh… nhưng thực chất, sản phẩm chỉ là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đơn thuần.

Ví dụ 2: Quảng cáo sai sự thật về giá sản phẩm.

Có thể kể đến việc các hãng hàng không như Tiger Airway (Singapore), AirAsia (Thái Lan) khi thâm nhập thị trường Việt Nam đã đưa ra mức giá vô cùng hấp dẫn cho giá vé máy bay chặng Việt – Sing; Việt – Thái là 25 USD (tương đương khoảng 550.000 đồng), còn rẻ hơn rất nhiều so với các chặng bay địa phương trong nước. Nhưng khi đến đặt vé bay thì người dân mới biết ngoài 25 USD tiền vé, khách hàng còn phải trả rất nhiều phụ phí liên quan như: lệ phí sân bay, phí an ninh, xăng dầu,… Khách hàng khi mua vé phải trả số tiền nhiều gấp 5 – 6 lần so với giá mà nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo.

– Quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

Ví dụ: Việc lợi dụng thành quả đầu tư, lợi thế cạnh tranh của người khác, gây nhẫm lẫn cho khách hàng: Bao bì của bánh Phaner Pie rất giống bánh Chocopie nổi tiếng của Hàn Quốc; Hoặc một doanh nghiệp bán nước mắm ghi là “Nước mắm Phú Quốc” nhưng thực chất đóng chai tại TP.HCM.

– Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài các hành vi nêu trên, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực quảng cáo còn được quy định tuỳ theo từng lĩnh vực pháp luật cụ thể, trên đây chỉ là những hành vi chung nhất, mang tính nguyên tắc để đảm bảo một môi trường quảng cáo, truyền thông lành mạnh.

Tuỳ từng hành vi vi phạm cụ thể mà mức xử phạt có thể khác nhau được quy định tại Chương III Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, mức phạt tiền cao nhất có thể lên đến 100.000.000 đồng, đồng thời có các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khác phục hậu quả. Dó đó, cá nhân, tổ chức khi thực hiện quảng cáo cần nắm rõ các quy định pháp luật để không phạm phải những hành vi mà pháp luật cấm để gánh chịu những hậu quả không mong muốn.

​​

Trên đây là bài viết về vấn đề: “Một số các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay” Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp lý cho cá nhân và tổ chức. 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Phó Giám đốc Nguyễn Thị Hoa hoặc Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc Luật sư tư vấn Hà Nội theo thông tin sau:

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: [email protected] Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 0945174040

1 Comment

  • Faustino
    Posted Tháng Tám 26, 2024 at 3:26 sáng

    Thank you for another informative site. Where else may just I
    get that type of information written in such an ideal way? I’ve a
    venture that I’m just now working on, and I’ve been on the glance out for such info.

Leave a comment

Mạng xã hội
Chúng tôi giải quyết các vấn đề của bạn trong khu vực tư nhân và hỗ trợ doanh nghiệp của bạn.
 

Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo, vui lòng trao đổi với Luật sư, Chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế. Yêu cầu phải trích dẫn nguồn khi sao chép và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới.

Liên hệ
  • Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
  • VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
  • VP2: Số 5 Ngách 252/115 Phố Tây Sơn, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
  • Hotline: 09 6768 7086
  • Hotline: 09 0161 4040
  • Email: [email protected]
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

    Website cùng hệ thống

    © 2024. Copyright HT Legal VN Law Firm

    Ngôn Ngữ »
    All in one